Hoài Thanh Tây Đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Thanh Tây Đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội

Hoài Thanh Tây: đảm bảo phát triển văn hóa, giáo dục

 

 

Cuối năm 1986 - đầu năm 1987, Hoài Thanh Tây được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Hoài Thanh. Sau ngày thành lập, thấm nhuần lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, trong mục tiêu xây dựng và phát triển, Đảng ủy, chính quyền xã đã xác định lấy văn hóa, giáo dục làm nền tảng theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8. Đó là cơ sở quan trọng để 29 năm qua, Hoài Thanh Tây không ngừng phát huy truyền thống, tích cực đầu tư, giúp sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển mạnh mẽ.

Hoài Thanh Tây có diện tích tự nhiên 1.420,7 ha; dân số 11.754 người. Từ 4 thôn lúc mới thành lập, hiện xã đã chia tách thành 10 thôn. 80% dân số sống bằng nghề nông. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân và cán bộ xã Hoài Thanh Tây vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Thành đồng, Anh hùng Lực lượng vũ trang. Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn đoàn kết một lòng, tập trung xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Đảng bộ xã và các tổ chức chính trị xã hội nhiều năm liền được các cấp trên công nhận trong sạch, vững mạnh và vững mạnh xuất sắc.

 

Có được cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhiều năm qua, Trường Tiểu học số 1 Hoài Thanh Tây không ngừng phát triển, đạt nhiều thành tích ấn tượng.

Chú trọng đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục

Không theo kiểu đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, ngay từ những ngày đầu thành lập, xã Hoài Thanh Tây đã xác định phải xây dựng trường, lớp theo định hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Gần 30 năm trước, khi mà nhiều trường mầm non trong tỉnh phải học nhờ trong các trụ sở thôn, nhà văn hóa, trường tiểu học thì Hoài Thanh Tây, bằng nguồn đóng góp của nhân dân, hợp tác xã và ngân sách của xã, đã đầu tư xây đủ 10 phòng học cho 10 lớp mẫu giáo, mỗi lớp rộng 60 mét vuông, có nhà vệ sinh sạch sẽ. Các trường phổ thông cũng bề thế, khang trang, rộng rãi, nằm trên vị trí đắc địa tại trung tâm xã. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Bàng cho biết: “Để các trường có vị trí đẹp, diện tích rộng như thế này, xã phải bỏ ra kinh phí rất lớn để đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân nằm sát quốc lộ 1A. Thời điểm đó, nguồn kinh phí của xã khá hạn hẹp nhưng chúng tôi vẫn quyết ưu tiên cho việc xây trường”.

Được tạo điều kiện dạy và học thuận lợi, các trường đóng trên địa bàn xã đã không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng dạy và học. Trường THCS Hoài Thanh Tây là trường THCS đầu tiên của huyện Hoài Nhơn và là một trong những trường THCS đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia; Trường Tiểu học số 1 Hoài Thanh Tây là một trong hai trường tiểu học đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Từ năm học 2003-2004 đến năm học 2011-2012, có 3 học sinh tiểu học của xã có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được Hội Khuyến học tỉnh tặng Giải thưởng Quang Trung. Năm học 2013-2014, Trường Mẫu giáo xã Hoài Thanh Tây đã được huyện công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Chất lượng giáo dục trên địa bàn xã ổn định và theo chiều hướng năm sau tốt hơn năm trước. Số học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh của các trường phổ thông luôn lọt vào tốp đầu huyện. Theo quy định của Sở GD&ĐT, học sinh lớp 9 của xã Hoài Thanh Tây và 4 xã lân cận sẽ đăng ký thi vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trân (trường công lập). Nhiều năm qua, tỉ lệ học sinh của Hoài Thanh Tây đỗ vào lớp 10 trường Nguyễn Trân luôn xếp ở tốp 3. Riêng năm học 2013-2014, xếp thứ nhất với tỉ lệ 73,68%.

So với bậc học phổ thông, bậc học mầm non ở Hoài Thanh Tây từng có những thiệt thòi nhất định khi trong một thời gian dài giao về xã quản lý, giáo viên không được vào biên chế, đồng lương hợp đồng bấp bênh do phụ thuộc vào ngân sách xã. Tuy vậy nhưng với Hoài Thanh Tây, từ khi thành lập trường mẫu giáo, chưa có trường hợp nào bỏ việc, kể cả giáo viên từ nơi khác đến dạy.

Cô Võ Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoài Thanh Tây, cho biết: “Nguồn học phí thu từ trẻ không được bao nhiêu nên hàng năm, xã phải chi hàng trăm triệu đồng để bù lương cho giáo viên. Một số giáo viên có năng lực tốt của trường từng có ý định chuyển vào Quy Nhơn nhưng xã đã tìm cách động viên và hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất để các cô yên tâm tiếp tục gắn trường, gắn lớp. Các cô giáo nghỉ sinh đều được xã chi đủ lương; đồng thời hỗ trợ 70% lương cho giáo viên dạy thay. Ai ốm đau đều được đại diện lãnh đạo xã, trường, phụ huynh đến thăm hỏi”.

 

Các cô giáo mầm non ở Hoài Thanh Tây xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch giáo dục theo chủ đề phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, khuyến khích trẻ mạnh dạn, tự tin, tìm tòi khám phá.

Quan tâm nâng cao đời sống tinh thần người dân

Tương tự như giáo dục, xã Hoài Thanh Tây cũng đầu tư xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, tôn tạo các khu di tích, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa- văn nghệ, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của người dân trong xã, giữ vững thuần phong mỹ tục, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, Hoài Thanh Tây là một trong những điểm sáng của huyện về phong trào sân khấu hóa việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách hiệu quả.

Hiện nay, toàn xã có 9/10 thôn đã xây nhà văn hóa, khu thể thao. Trong đó, 5/10 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao gắn liền nhau, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nếu cả huyện Hoài Nhơn có ba di tích cấp Quốc gia thì trên địa bàn xã Hoài Thanh Tây đã có hai di tích là Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ và Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 (thường gọi là Di tích cây số 7 Tài Lương). Trong năm 2014 và năm 2015, Nhà nước tiến hành ba dự án liên quan đến hai khu di tích này gồm xây dựng thêm một số hạng mục ở Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, Khu di tích cây số 7 Tài Lương và xây một con đường cầu nối liền hai khu di tích. Về phần mình, hàng năm, Hoài Thanh Tây luôn có kế hoạch bảo vệ, tôn tạo với mong muốn các khu di tích không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là những điểm nhấn du lịch, văn hóa.

Nhằm thắt chặt tình làng nghĩa xóm, Hoài Thanh Tây đã triển khai sâu rộng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Hiện 10/10 thôn đã đăng ký xây dựng Thôn văn hóa, và 8/10 thôn đã đạt chuẩn Thôn văn hóa; 4/4 cơ quan đơn vị trường học đã đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liền. Trên 99% hộ gia đình đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa. Năm 2014, 96% hộ đạt danh hiệu này, trong đó 59% đạt loại xuất sắc.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hoài Thanh Tây, cho biết: “Phát huy truyền thống trong sự nghiệp văn hóa, giáo dục, thời gian tới, xã sẽ nghiêm túc nhìn nhận những mặt hạn chế để có biện pháp khắc phục hợp lý. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa sẽ được đẩy mạnh ở cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Xã cũng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất trường học ở các bậc học. Riêng với bậc mầm non, xã sẽ hoàn thành việc xây dựng điểm trường chính và hai điểm trường ở Ngọc Sơn và Ngọc An, phấn đấu đến năm 2015-2016, Trường Mẫu giáo Hoài Thanh Tây đạt trường chuẩn Quốc gia”.


Nguồn:anlao.binhdinh.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG Hoài Thanh Tây

Địa chỉ: Khu phố Tài Lương 1, Phường Hoài Thanh Tây, Thị xã Hoài Nhơn, Tỉnh Bình Định
Tel: 0256.3864.506
Email: hoaithanhtay-hoainhon.binhdinh.gov.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: LÊ VĂN NAM - Chủ tịch UBND phường